Mức tăng hơn 30% của HTN đi ngược lại diễn biến chung cả thị trường trong tuần qua khi chỉ số VN-Index giảm 16,1 điểm và giảm 1,76% trong tuần.
Ngày 12/11/2018, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons niêm yết 25 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE: HTN). Cổ phiếu HTN đã có một tuần giao dịch sôi động và đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 30.400 đồng/cổ phiếu, tăng 30,47% so với giá chào sàn. Đây cũng là một trong những cổ phiếu có mức tăng lớn nhất trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM trong tuần giao dịch vừa qua.
Thanh khoản của cổ phiếu HTN trung bình khoảng 245.000 cổ phiếu mỗi phiên, ở mức cao so với các cổ phiếu cùng ngành.
Sự tăng trưởng của giá cổ phiếu HTN đi ngược lại diễn biến chung cả thị trường trong tuần qua khi chỉ số VN-Index giảm 16,1 điểm và giảm 1,76% trong tuần. Vậy yếu tố nào giúp cổ phiếu HTN đã tạo nên sức hút đến nhà đầu tư trong tuần giao dịch đầu tiên?
Tiềm lực nội tại mạnh mẽ
Tính trong giai đoạn 5 năm gần đây nhất, từ 2013 – 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu thuần của Hưng Thịnh Incons đạt hơn 215% và tốc độ tăng trưởng bình quân lợi nhuận lên đến 190%.
Năm 2018, công ty đặt kế hoạch doanh thu 4.054 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng, tăng lần lượt 50% và 64% so với kết quả năm trước. Tính riêng 9 tháng đầu năm, Hưng Thịnh Incons thu về hơn 2.590 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 114,5 tỷ đồng. Với các hạng mục đang xây dựng và chưa nghiệm thu tính đến 30/9/2018 đạt 1.260 tỷ đồng (chiếm 98% tỷ trọng hàng tồn kho), theo lãnh đạo công ty, lợi nhuận quý IV đạt tối thiểu 66 tỷ đồng và đảm bảo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2018.
EPS cơ bản 9 tháng của công ty đạt 4.580 đồng/cổ phiếu, khá cao so với nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng, bất động sản.
Hưng Thịnh Incons còn là tổng thầu thi công chủ lực của Tập đoàn Hưng Thịnh – nhà đầu tư và phát triển bất động sản hàng đầu tại phía Nam hiện nay. Quỹ đất của Tập đoàn này hiện vào khoảng 3.000ha trên nhiều tỉnh thành cả nước như: TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định, Đồng Nai,… Đây chính là lợi thế lớn cho HTN.
Với mức chia cổ tức 30%, trong đó 15% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu, Hưng Thịnh Incons sẽ thực hiện việc phân phối lợi nhuận năm 2017 ngay sau khi chào sàn. Tính đến hết quý III/2018, Hưng Thịnh Incons đang có gần 269 tỷ lợi nhuận chưa phân phối. Đây là nguồn vốn lớn đảm bảo khả năng chia cổ tức của công ty.
Với vốn chủ sở hữu 479 tỷ năm 2017, HTN có quy mô trung bình so với các công ty trong ngành. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp lại vượt trội trong năm 2017 với chỉ số lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) đạt 28,64%, cao hơn cả “anh cả” trong ngành là Coteccons (24,40%).
Với tốc độ tăng trưởng cao cùng việc nhận thi công hàng loạt dự án lớn, Hưng Thịnh Incons đang khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong ngành xây dựng.
Định giá hấp dẫn
Theo tính toán của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), các công ty cùng ngành xây dựng với HTN đang niêm yết là Hòa Bình (HoSE: HBC), Coteccons (HoSE: CTD), Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) và Địa ốc Tân Kỷ (TKC – HNX) có chỉ số thị giá trên EPS (P/E) bình quân theo tỷ trọng là 8,25.
Năm 2017, EPS công ty đạt mức cao 4.407 đồng/cổ phiếu. Nếu tạm tính theo hệ số P/E bình quân theo tỷ trọng trên (tỷ trọng HBC và CTD thấp vì quy mô vốn chênh lệch lớn) thì giá trị hợp lý của cổ phiếu HTN theo phương pháp định giá P/E là 36.363 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá chào sàn 56%.
Không chỉ hấp dẫn về mặt định giá P/E, phương pháp định giá theo thị giá trên giá trị sổ sách (book value – P/B) cũng cho kết quả tích cực. Giá trị sổ sách của Hưng Thịnh Incons trong năm 2017 ghi nhận 19.144 đồng/cổ phiếu. So với các đơn vị cùng ngành, HTN chỉ xếp sau CTD (92.128 đồng/cổ phiếu) nhưng xếp trên cả nhiều “ông lớn” trong ngành xây dựng là HBC, PHC và TKC.
Như vậy, với tiềm lực nội tại mạnh mẽ và mức định giá hấp dẫn, biên độ giá và thanh khoản tốt trong tuần giao dịch đầu tiên của HTN chính là những dấu hiệu tích cực thể hiện triển vọng tăng trưởng ổn định của cổ phiếu HTN.
Theo ndh.vn